Nét đẹp dân tộc Thái Tây Bắc
Lễ cúng vía của người Thái Tây Bắc

Trong đời sống của người Thái ở Tây Bắc có nhiều lễ cúng như cúng bản, cúng mường, mà bản chất là lễ cúng thành hoàng, cầu cho bản mường bình yên no ấm. Lễ cúng rừng - cầu cho thần rừng phù hộ cho núi rừng, bản mường bình yên, trù phú. Cúng đưa hồn người qua đời lên trời, cúng khi đau ốm, lên nhà mới, đám cưới, xuống đồng, mừng cơm mới, cúng vía... Loại trừ những yếu tố mê tín dị đoan, thì thầy mo giúp cho cộng đồng rất nhiều trong việc củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho mỗi người trước những thử thách của cuộc sống, giúp con người biết hướng thiện, tránh cái xấu, sống hiếu thuận với cha mẹ, vợ chồng chung thủy, biết đối nhân xử thế và làm theo những điều ông bà dạy và luật tục của bản mường, pháp luật của Nhà nước.

Thầy cúng đọc bài cúng chính kể về công lao của các vị thần và cầu mong họ phù hộ.

Người Thái Tây Bắc cũng quan niệm thế giới ba tầng thông tỏ và giao cảm. Quyết định sự sống trên trái đất là do thế giới hư vô mà người thường không thể nhìn thấy được. Hồn - "phi" đều trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại điều tốt lành hay xấu cho con người. Bởi vậy, việc cầu cúng thông qua vai trò của thầy cúng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, người Thái có quan niệm rất nhân ái là: "Côn lẩy kin cáo đi, phi lẩy kin cáo cụm", có nghĩa là "Người được ăn cho chủ tốt bụng, ma được ăn phù hộ cho người". Việc cầu cúng ngoài yếu tố tâm linh thì còn là đạo lý với ông bà, tổ tiên, là trách nhiệm của mỗi người trước cuộc sống. Cũng vì vậy, thầy mo rất được tôn trọng trong xã hội người Thái.

Trong cuộc đời mỗi con người, từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời, với người Thái Việt Nam có rất nhiều lễ cúng vía theo chu trình của đời người: Sinh - bệnh - lão - tử, nhằm mục đích giúp con người có thêm nghị lực, niềm tin, để có sức khỏe, có đạo đức, có một cuộc sống dài lâu, ấm no, hạnh phúc, hiểu biết về đạo lý và sống có trách nhiệm với cộng đồng và thiên nhiên.

Có thể trong những buổi đầu sơ khai, khi cuộc sống con người chưa phát triển, con người chưa đủ năng lực chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân, người Thái Việt Nam cũng như các dân tộc khác phải cầu khẩn các thế lực siêu nhiên ban cho họ sự sống, nghị lực và niềm tin vượt mọi khó khăn trong cuộc sống. Dần dần cùng với sự phát triển của xã hội, trải qua sự chắt lọc từ đời này sang đời khác, việc cúng vía bớt dần màu sắc mê tín dị đoan, trở thành những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngay từ khi ra đời, lễ cúng vía đầu tiên là cúng "ra lửa" - "nhá phay", tức là khi đứa trẻ chào đời được 7 ngày với bé trai, hoặc 9 ngày với bé gái, thầy mo cúng báo cáo với các đấng siêu nhiên và tổ tiên sự hiện diện của đứa bé trên cõi đời và cầu xin các đấng siêu nhiên bảo trợ cho bé, ban cho bé hay ăn, chóng lớn và mạnh khỏe, giỏi giang. Khi đứa trẻ được 2 đến 6 tháng tuổi, nếu hay ốm đau sài đẹn, người nhà tổ chức cúng vía, tại lễ cúng này, thầy mo mời thêm vía của các bé khỏe mạnh bầu bạn cùng vía của bé. Những người mẹ từng trải trao đổi kinh nghiệm nuôi con với người mẹ trẻ. Người mẹ trẻ có thêm nghị lực, niềm tin và kinh nghiệm để chăm sóc bé tốt hơn.

Khi dựng vợ gả chồng, thầy mo cúng vía cầu mong cho vợ chồng trọn đời chung thủy, biết yêu thương nhường nhịn nhau, con cháu mạnh khỏe, cuộc sống no đủ. Người già thì được cúng vía để cầu mong sức khỏe và trường thọ.

Thầy mo không chỉ cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho sự bình yên, mà còn răn dạy con cháu và mọi người phải biết tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt phải có hiếu với cha mẹ, độ lượng với nhau, nhường cơm sẻ áo, biết sống nhân ái vì gia đình và cộng đồng.          

Trong các lễ cúng vía, ngoài các nghi thức cầu khẩn các đấng siêu nhiên, thì thầy mo còn khuyên bảo con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Ngay trong bữa cơm thân mật với gia chủ sau lễ cúng, những người tham dự lại hát đối đáp, nội dung phù hợp với mục đích buổi cúng vía. Từ nhận thức về tự nhiên và xã hội như vậy, người Thái từ bao đời vẫn khuyên bảo nhau sống có trách nhiệm và chan hòa với cộng đồng, sống hòa thuận với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.

Lược bỏ những yếu tố mang màu sắc mê tín, thì phải chăng trải qua hàng ngàn năm lịch sử sinh tồn và phát triển, người Thái Việt Nam đã có nhận thức được mối quan hệ giữa con người và vạn vật, giữa yếu tố vật chất và tinh thần, giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình và mối quan hệ tổng hòa của mỗi cá thể với xã hội? Bởi vậy, cho đến ngày nay, khi xã hội phát triển, các lễ cúng vía của người Thái vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần, mang nét đẹp của thuần phong mỹ tục đáng trân trọng./.

Tác giả: Lò Văn Xuân (St).
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !